Nguồn tin này không chia sẻ liệu giao dịch có được hoàn tất hay không, chỉ cho biết KKR hoặc Heliconia đã tiết lộ thông tin về cuộc đàm phán của họ nhưng chưa rõ các mức giá được đưa ra.
Nguồn: https://cafef.vn/kkr-cong-ty-dau-tu-cua-my-dang-dam-phan-mua-lai-chuoi-benh-vien-mat-tu-nhan-lon-nhat-viet-nam-tu-quy-cua-singapore-188230830093307161.chn
Tờ TheInvestor trích một nguồn thạo tin cho hay, công ty đầu tư toàn cầu KKR của Mỹ đang đàm phán với Heliconia Capital – một quỹ đầu tư Singapore thuộc sở hữu của Temasek Holdings – để mua lại Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (MSG). Đây là doanh nghiệp điều hành chuỗi bệnh viện mắt tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Nguồn tin này không chia sẻ liệu giao dịch có được hoàn tất hay không, chỉ cho biết KKR hoặc Heliconia đã tiết lộ thông tin về cuộc đàm phán của họ nhưng chưa rõ các mức giá được đưa ra.
Theo giới thiệu, MSG có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang điều hành 14 bệnh viện trên khắp Việt Nam, bao gồm 9 bệnh viện mắt và 5 bệnh viện đa khoa. Ngoài ra, họ còn điều hành một Trung tâm Eagle Eye tại TP.HCM với sự hợp tác của Eagle Eye Center của Singapore, một bệnh viện mắt hàng đầu thế giới.
MSG được coi là chuỗi bệnh viện mắt lớn nhất Việt Nam với hơn 500 nhân viên y tế, trang bị cơ sở vật chất và thiết bị nhãn khoa tiên tiến. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn chuỗi được vận hành với gần 1.700 nhân sự, 145 giường nội trú, thu hút 420.168 lượt khám chữa.
Từ khởi nguồn là chuyên khoa về mắt, MSG đã mở rộng sang đa khoa và đến nay xây dựng hệ thống đa khoa với gần 700 giường nội trú đang được vận hành với đội ngũ 650 bác sĩ và nhân viên y tế trong toàn bộ máy gần 900 nhân sự. Dữ liệu tháng 6/2022, hệ thống đa khoa đón gần 40 ngàn lượt khám và 3.200 lượt điều trị nội trú, công suất giường đạt 74%.
MSG được sáng lập bởi Bác sĩ mắt Thái Thành Nam vào tháng 4/2004 với cơ sở đầu tiên tại Lê Thị Riêng. Đây được giới thiệu là bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và chất lượng y khoa được cho là đạt chuẩn quốc tế thời điểm đó. Thương hiệu Mắt Sài Gòn đến nay mở rộng đến nhiều địa phương như Hà Nội, Nha Trang, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Vinh…
Heliconia Capital của Temasek mua lại công ty này vào năm 2019 nhưng không công khai giá trị thương vụ. Cũng trong năm này, hệ thống MSG chứng kiến sự thay đổi về cấu trúc và Bác sĩ Thái Thành Nam đã rời khỏi Tập đoàn. Được biết, vào tháng 3/2023, ông Nam đảm nhận vị trí giám đốc tại Trung tâm Mắt Việt tư nhân mới thành lập, cũng tại TP.HCM.
Trong khi đó, vào năm 2019, ông Huỳnh Lê Đức – CEO tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã rời chuỗi này (16 bệnh viện) và sang làm CEO của Mắt Sài Gòn.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, cổ đông ngoại lớn nhất nắm cổ phần tại các pháp nhân trong hệ thống MSG là FANSIPAN HOLDINGS.
Pháp nhân đầu tiên tạo lập nên MSG là CTCP Bệnh viện Mắt Sài Gòn thành lập từ năm 2002 bởi ông Thái Thành Nam và hiện do ông Huỳnh Lê Đức là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Vào năm 2018, công ty này chuyển đổi hình thức từ Công ty TNHH sang CTCP với vốn điều lệ 100 tỷ đồng do ông Thái Thành Nam nắm 98%. Cũng trong năm này, công ty tăng vốn 2 lần, từ 100 tỷ lên 271 tỷ đồng và chốt tại 496 tỷ đồng nhưng không công bố cơ cấu cổ đông.
Trong hệ thống MSG, CTCP Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (VĐL 2 tỷ đồng) do CTCP Y tế Mắt Sài Gòn nắm 99,99%, CTCP Mắt Sài Gòn Việt Nam nắm 0,005% và ông Huỳnh Lê Đức – CEO nắm 0,005%.
CTCP Y tế Mắt Sài Gòn (thành lập năm 2018) ở giai đoạn trước năm 2019 do ông Thái Thành Nam nắm 99% nhưng hiện nay tên ông Nam không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn. Trước thời điểm tháng 4/2023, công ty có VĐL 496 tỷ đồng, do FANSIPAN HOLDINGS nắm 51% nhưng mới đây, công ty này đã giảm VĐL xuống 437 tỷ đồng, FANSIPAN HOLDINGS đã bán gần hết cổ phần ưu đãi cổ tức và giảm tỷ lệ sở hữu xuống 49,5%.
CTCP Mắt Sài Gòn Việt Nam có VĐL 205 tỷ (cũng thành lập năm 2018) và cũng do FANSIPAN HOLDINGS nắm 51%. Trước năm 2019, công ty này do ông Thái Thành Nam và 2 người thân nắm tổng cộng 52%.
Trong bài viết trên Forbes Việt Nam, ông Huỳnh Lê Đức – CEO MSG cho biết năm 2019 khi quỹ đầu tư Heliconia thuộc tập đoàn Temasek (Singapore) mua lại, bên cạnh việc nhân rộng chuỗi chuyên khoa, MSG tiếp tục phát triển chuỗi đa khoa. Tập đoàn Y khoa Sài Gòn được thiết lập nhận diện thương hiệu thống nhất MSG (viết tắt chung của Mắt Sài Gòn và Medical Saigon Group).
Theo chiến lược phát triển chuỗi đa khoa, giữa COVID-19, MSG khai trương thêm hai bệnh viện đa khoa và sau đó mua hai bệnh viện của nhóm Thái Bình Dương, đưa chuỗi đa khoa lên năm bệnh viện. Ông Huỳnh Lê Đức hiện cũng là đại diện pháp luật của CTCP Y khoa Thái Bình Dương.
KKR là công ty đầu tư toàn cầu của Hoa Kỳ và là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới. Từ 2011 đến nay, quỹ đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công ty của Việt Nam với nhiều thương vụ lớn mà nổi bật có Masan, Vingroup, ….
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tư nhân của Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tập đoàn Y tế Thomson, cũng có trụ sở tại Singapore, ngày 12/7 cho biết đã đồng ý mua Bệnh viện FV do Pháp hậu thuẫn tại TP.HCM với giá 381,4 triệu USD. Đây là thương vụ mua lại bệnh viện lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Nó cũng đánh dấu thương vụ mua lại ngành chăm sóc sức khỏe lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020.